Trường Đại học Quốc tế và Đại học Deakin tổ chức cuộc thi Thử thách Nhà bảo vệ Môi trường trẻ lần thứ IV

Tin Tức 24h
Tin Tức 24h
Bình luận: 0Lượt xem: 430

Tin Tức 24h

Tin Tức 24h
Thành viên BQT
Quản Trị Viên
Trường Đại học Quốc tế (ĐHQT) - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đại học Deakin (ĐH Deakin) (Australia) phát động tổ chức cuộc thi Thử thách Nhà bảo vệ Môi trường trẻ lần thứ IV dành cho các bạn học sinh trung học phổ thông tại Việt Nam.

Ô nhiễm nước, đất, không khí và chất thải luôn là những vấn đề được xã hội quan tâm chú ý. Năm 2019, trường ĐHQT (Việt Nam) đã phối hợp cùng ĐH Deakin (Úc) tổ chức thành công cuộc thi Sáng kiến Bảo vệ Hành tinh Xanh với rất nhiều đề tài thú vị, nhiều ý tưởng sáng kiến từ chính các bạn học sinh các trường trung học phổ thông (THPT) trong cả nước đóng góp. Cuộc thi không chỉ tạo sân chơi cho học sinh, giúp các em củng cố kiến thức về môi trường, thể hiện khả năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, mà còn giúp truyền cảm hứng, nâng cao ý thức của các bạn trẻ và đưa ra các giải pháp hữu ích thiết thực trong việc bảo vệ môi trường.

moi-truong-5.jpg

Năm 2021-2022, ban tổ chức quyết định mở rộng sân chơi, ngoài vòng thi Bán kết tại Việt Nam, đội xuất sắc nhất sẽ đại diện đất nước thi đấu với các đội học sinh THPT của nhiều nước khác như Malaysia, Sri Lanka ở Vòng Chung kết Quốc tế.

Và sau thành công của 3 mùa, năm nay cuộc thi tiếp tục được phát động từ 16/12/2022. Cuộc thi diễn ra trong hơn 4 tháng và được chia làm 3 giai đoạn thu hút gần 70 thí sinh tham gia gửi ý tưởng. Các thí sinh đăng kí cuộc thi theo hình thức nhóm, đội với 4 thành viên của cùng một trường.

Các đội thực hiện một video clip có độ dài từ 10-15 phút để trình bày ý tưởng, đề xuất sáng kiến, đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề môi trường tại Việt Nam. 08 đội xuất sắc nhất với các video clip được chia sẻ trên kênh Youtube đã được ban giám khảo chọn vào vòng chung kết và sẽ có 20 phút thuyết trình bằng tiếng Anh trước Ban Giám khảo.

moi-truong-4.jpg

Các chủ đề vào vòng chung khảo mùa thứ IV rất thú vị với nhiều ý tưởng mới mẻ. Có thể kế đến nhóm CVT.Journey của trường THPT Chuyên Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) với đề tài liên quan đến việc xử lý nước thải. Các thành viên của CVT.Journey mang đến một chất keo tụ hữu cơ để xử lý nước, cụ thể là chất nhầy chiết xuất từ đậu bắp. Các polysacarit này có khả năng phân hủy sinh học, không độc hại, thân thiện với môi trường và được trồng rộng rãi để có nguồn cung cấp ổn định.

“Trong nghiên cứu này, chúng em đề ra phương pháp loại bỏ polystyrene trong vi nhựa và xử lý nước thải bằng cách sử dụng chất nhầy đậu bắp, tập trung vào hai vấn đề cấp bách nhất hiện nay: Lọc nước và lọc vi nhựa. Cùng nhau, chúng em mong muốn có thể góp một phần nhỏ công sức vào hành trình hướng đến một tương lai bền vững” – Quách Hải Như Quỳnh (Đội trưởng CVT.Journey) chia sẻ thêm.

moi-truong-3.jpg

Trong khi đó nhóm Phu Nhuan boyz của trường THPT Phú Nhuận TP. HCM lại lựa chọn làm đề tài mang tên Sản xuất điện từ cây. Đây là đề tài hướng tới vấn đề khá nan giải hiện tại: năng lượng. Nhóm Phu Nhuan boyz nhấn mạnh: “Nguyên tắc hoạt động cơ bản khi cây thực hiện quá trình quang hợp nó sẽ thải ra một lượng chất hữu cơ. Lượng chất hữu cơ này khi thải vào đất sẽ bị hấp thụ bởi vi khuẩn có trong đất và tạo ra các ion Hydrogen mang điện tích dương tạo cực dương.

Electron của nguyên tử Hydrogen + sau đó sẽ được chuyển qua cực âm liên kết với các Oxygen để tạo ra nước. quá trình này đã hình thành nên một hệ mạch kín qua đó ta có thể khai thác lượng điện năng từ hệ mạch này, ngoài ra như đã trình bày ở trên sản phẩm duy nhất là chất thải chỉ có nước nên phương án sản xuất này không gây ô nhiễm môi trường.

Nhưng xét trên thực tế hàm lượng vi khuẩn và hàm lượng chất hữu cơ có trong đất là tương đối ít nên lượng điện năng cho ra trên mỗi cây cũng khá hạn chế. Vì vậy cho nên bắt buộc phải có một bộ lưu trữ điện năng để có thể tăng cường độ dòng điện đầu ra và tính ổn định của dòng điện”.

moi-truong-2.jpg

Là 1 trong 2 đội của trường Đinh Thiện Lý lọt vào vòng chung kết YEC năm nay, Peach and Psss đã lựa chọn đề tài Chiết xuất pectin từ vỏ cam Việt Nam để tạo màng bao thân thiện với môi trường cho trái xoài.

Nhóm lý giải: “Hiện nay, xoài là loại trái cây vô cùng giàu dinh dưỡng và mang lại rất nhiều mặt tốt cho sức khỏe của con người. Vì thế, nhu cầu để có được xoài làm tráng miệng mỗi ngày tăng rất cao, dẫn đến việc ngay cả xoài Việt Nam được xuất khẩu ra thị trường quốc tế với số lượng lớn.

Tuy nhiên, chúng lại nhanh bị thâm sau khi chín dẫn đến mất thẩm mĩ và chất lượng cũng không còn ở mức tốt nhất. Vì vấn đề này, các màng thực phẩm đã được dùng để bọc lại các quả xoài và bảo quản chúng trong quá trình xuất nhập khẩu. Điều này lại dẫn đến một vấn đề khác - các màng bọc thực phẩm bằng nhựa đang được sử dụng và thải ra rất nhiều hằng ngày, góp phần ảnh hưởng rất tiêu cực đến với môi trường.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đã cho ra được ý tưởng về việc chiết xuất và chế tạo màng bọc thực phẩm từ pectin, một nguyên liệu có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này, nhằm bảo quản xoài Việt Nam khi xuất nhập khẩu. Qua tìm hiểu, nhóm nghiên cứu đã chọn vỏ cam là nguồn pectin để chiết xuất một cách hiệu quả nhất”.

Đặc biệt, năm nay, chiếm 50% tổng số đội tiến vào vòng chung kết chính là trường THPT Nguyễn Hữu Huân TP.HCM với 4 đội (Overroll 4+2, K.E.L, CEY, và Talk-H). Trong đó, TALK - H muốn đề cập đến vấn đề ô nhiễm hộp xốp nhựa trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam.

“Có 2 khía cạnh chính cần nhìn thấy để có thể thấy được sự nguy hiểm đáng báo động của hiện trạng sử dụng hộp xốp nhựa tràn lan. Đó là môi trường và sức khỏe. Hiểu được điều đó mà TALK - H mong muốn cho ra đời dòng sản phẩm với ý tưởng được mang tên BPES Box. Nhằm mục đích tận dụng được nguồn rác thải sinh hoạt của con người, cụ thể là vỏ chuối và vỏ trứng để tạo ra sản phẩm bảo vệ môi trường.

Nguồn nguyên liệu không phải là vấn đề vì số lượng vỏ chuối và vỏ trứng được tiêu thụ mỗi năm ở Việt Nam vô cùng lớn. Vỏ chuối và vỏ trứng sẽ được trộn cùng với giấm và glycerol, sau đó đem ép tạo hình và sấy ở nhiệt độ cao. Với các vật liệu đơn giản, tự nhiên và an toàn, những ý tưởng về BPES Box sẽ ngày càng hoàn thiện để đưa sản phẩm thân thiện với môi trường này trở nên phổ biến, dần thay thế hộp nhựa”.

moi-truong-1.jpg

Đại diện của CEY cũng đến từ trường THPT Nguyễn Hữu Huân thì kể về lý do nhóm chọn tên và tham gia cuộc thi YEC năm nay. Các bạn nói: “Ngồi nghĩ cho dự án một cái tên, chúng mình đã đổi ngược lại tên cuộc thi YEC thành CEY để mang đến một ý nghĩa mới: Conceptualise Environment-orientation to Youth (Khái niệm hóa định hướng về môi trường cho lớp trẻ). Như những quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam cũng từng bước công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Nhưng để vươn lên với các cường quốc năm châu, nước ta phải đối mặt với ô nhiễm môi trường nặng nề, một trong số đó là tràn dầu ở đại dương. Chính vì thế, CEY và đứa con tinh thần của chúng tôi - tấm lọc dầu ở đây để cứu lấy môi trường biển cả xanh này thoát khỏi sự vấy bẩn của dầu tràn, trả lại một môi trường biển xanh sạch đẹp, giàu sinh thái, oxy và cùng với đó CEY thúc đẩy cũng như lan tỏa tình yêu môi trường đến với các bạn trẻ trên thế giới”.

Các bạn của nhóm K.E.L (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) thì chia sẻ: “Hiện tại có rất nhiều nguyên nhân làm cho môi trường nước bị ô nhiễm và một trong những nguyên nhân đó là từ các ion kim loại nặng không thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Để có thể phần nào khắc phục được tình trạng trên, chúng em đã nghiên cứu về khả năng hấp phụ của than hoạt tính được điều chế từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Những nguyên liệu như lục bình, gáo dừa và các loại vỏ trái cây là những nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, bị bỏ đi một cách lãng phí. Chúng em tiến hành làm than hoạt tính từ những nguyên liệu trên để làm chất hấp phụ tăng khả năng hấp phụ cho than hoạt tính. Đây cũng là điểm đặc biệt của sản phẩm nhóm chúng em. Trong tương lai chúng em định hướng sản phẩm thành một tấm phim có khả năng lắp đặt vào các đường ống nước, giúp ích cho việc lọc nước trong quá trình sử dụng cũng như là xả thải”.

Trong khi đó, nhóm Overroll 4+2 đến từ trường THPT Nguyễn Hữu Huân, gồm Nguyễn Hoàng Vy, Vũ Diệu Linh, Vương Trần Ngọc Dung, Ngô Tuấn Anh, muốn mang đến cho mọi người sản phẩm ống hút làm từ vỏ sầu riêng để góp một phần nhỏ vào việc bảo vệ môi trường khỏi các sản phẩm nhựa và giải quyết vấn đề rác thải. Loại ống hút hữu cơ này có cách làm rất đơn giản: chỉ cần thu nhặt vỏ sầu riêng, làm sạch, thái mỏng và phơi khô rồi nghiền thành bột. Sau đó, trộn với các loại phụ gia khác rồi tạo hình, chúng ta sẽ có thành phẩm là một thanh ống hút từ vỏ sầu riêng.

Mang trăn trở băn khoăn về nguyên liệu cách âm, nhóm Garyy Lee của trường Đinh Thiện Lý đã chia sẻ nguyên nhân nhóm chọn đề tài thú vị về nguyên liệu: “Nghiên cứu của nhóm em nhằm tập trung vào việc tìm kiếm và chế tạo vật liệu cách âm từ các phế phẩm nông nghiệp như xơ dừa, bã mía và vỏ đậu phộng nhằm tạo ra vật liệu cách âm thân thiện với môi trường. Bã mía được xử lý và bị loại bỏ lignin, và kết hợp chúng với xơ dừa và bột vỏ đậu phộng theo các tỉ lệ 3:7, 5:5, 7:3 về khối lượng để chế tạo vật liệu cách âm.

Kết quả thử nghiệm cho thấy vật liệu được chế tạo từ xơ dừa và bã mía, bã mía và vỏ đậu phộng có khả năng hấp thụ âm thanh tốt hơn xốp khoảng 10%. Ngoài ra, kết quả cũng cho ra được khả năng cách âm của các vật liệu được làm từ xơ dừa và bã mía, bã mía và vỏ đậu phộng sẽ khác nhau tùy theo cường độ âm thanh, qua những thí nghiệm cho thấy vật liệu có tỉ lệ 3:7 có khả năng cách âm tốt nhất, với % cách âm lớn nhất là 46,4% khả năng cách âm”.

Ban tổ chức sẽ trao 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba và tiếp tục hỗ trợ cho 03 đội bước vào vòng Chung kết Quốc tế diễn ra vào đầu tháng 4 năm 2023. Ngoài ra, ban tổ chức cuộc thi còn dành sự hỗ trợ chi phí đi lại và chỗ ở cho các đội đến từ các tỉnh thành ngoài TP.HCM.
 

Đính kèm

  • moi-truong-3.jpg
    moi-truong-3.jpg
    77.7 KB · Lượt xem: 79
Top