BẾP CƠM NGHĨA TÌNH và HÀNH TRÌNH TRAO NHẬN YÊU THƯƠNG

Độc Hành

Thượng sĩ
Quản Trị Viên
“Bếp Cơm Nghĩa Tình” không chỉ là một sự kiện từ thiện thông thường mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết và yêu thương của cộng đồng dân cư tại khu phố 8, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Một câu chuyện về tình người và lòng nhân ái đã được phóng viên Tạp chí Tình thương và Cuộc sống ghi lại trong tháng Nhân Đạo năm 2024.

anh 1.jpg
Mọi người trong nhóm “Bếp cơm nghĩa tình” tất bật từ sớm để chuẩn bị thức ăn

Hơn 2 năm qua, địa điểm cổng Đình Trường Thọ (số 32 đường 2, KP 22, P. Trường Thọ, TP. Thủ Đức không còn xa lạ đối với những người dân tại khu phố và người dân trong khu vực. Tại đây, định kỳ vào mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng có hàng trăm suất cơm chay miễn phí, phần gạo nghĩa tình được phát cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bán vé số, những người lao động tự do.

Điều đặc biệt đây là bếp cơm nghĩa tình do cô Lê Khánh Linh và một số chị em phụ nữ của khu phố đứng ra tổ chức. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tình thương và Cuộc sống, cô Linh thành viên chính của “Bếp cơm nghĩa tình” này cho biết, do bếp cơm tổ chức vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng nên số thành viên tham gia phụ giúp bếp ngày đông, ngày ít.

anh 2.jpg

Lê Khánh Linh và một số chị em phụ nữ của khu phố đứng ra tổ chức

“Nếu rơi vào thứ 7 hoặc Chủ nhật thì có khoảng 20 người phụ giúp, còn ngày thường sẽ ít hơn. Tất cả đều là tình nguyện viên, lúc đầu chỉ là mấy chị em tự đóng góp, tự nấu với khoảng 200 phần mỗi lần nấu, đến giờ sự lan toả đã đi xa hơn, nhiều người biết đến hơn nên bếp nhận được nhiều hỗ trợ hơn, từ số lượng tình nguyện viên tham gia phục vụ bếp cho đến mạnh thường quân. Hiện tại “bếp cơm nghĩa tình” của chúng tôi mỗi lần nấu hơn 400 phần, có khi lên tới hơn 500 phần cơm chay miễn phí. Đặc biệt, những người già, khuyết tật, người bệnh… đi lại khó khăn trong khu phố muốn ăn chay, các thành sẽ đưa đến tận nhà phục vụ”, cô Linh chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên tại “bếp cơm nghĩa tình” trong ngày 8/5, tại bếp cơm chay này dòng người xếp hàng nhận phần cơm chay miễn phí rất đông. Bếp ăn không phân biệt đối tượng, dù bất cứ ai nếu muốn ăn đồ ăn của bếp đều được nhận, nhưng chủ yếu là các cô chú, anh chị bán vé số, thu mua ve chai, chạy xe công nghệ, công nhân lao động, thi thoảng có một vài em học sinh. Còn trong ngày 22/5, “Bếp cơm nghĩa tình” tiếp tục nấu và phân phát 500 phần cơm chay cùng 500kg gạo cho những hộ gia đình khó khăn.

anh 3.jpg

Người dân xếp hàng nhận quà

Hành động cao đẹp trên của các tình nguyện viên, mạnh thường quân tại “Bếp cơm nghĩa tình” ở khu phố 22, P. Trường Thọ nói chung và cô Lê Khánh Linh nói riêng không chỉ mang lại sự ấm áp mà còn là sự tin tưởng và hy vọng trong cuộc sống.

“Chúng ta đã chứng kiến sức mạnh của lòng nhân ái và sự đồng lòng từ cộng đồng trong chương trình này. Hành động nhỏ của chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống của những người xung quanh. Hy vọng rằng thông điệp về yêu thương và sự đồng cảm sẽ lan tỏa đến nhiều người hơn nữa”, cô Khánh Linh nói.

“Bếp cơm nghĩa tình” tại một khu phố nhỏ giữa lòng thành phố rộng lớn nhưng nó lại là điểm tựa tinh thần cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Hy vọng rằng các chương trình “nhân đạo” như vậy sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi một khu phố hay một quận, mà còn được lan toả đến nhiều địa phương khác nhau, tạo ra nhiều điều kiện hỗ trợ hơn cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 161 năm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (08/5/1863 - 08/5/2024), Tạp chí Tình thương và Cuộc sống mong muốn sự chung tay, góp sức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng tích cực đồng hành, quan tâm, giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn nhằm xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái, không để ai bị bỏ lại phía sau.
 
Top