'Trung Quốc không cần kích thích kinh tế lớn sau dịch'

Đ
Độc Hành
Bình luận: 0Lượt xem: 405

Độc Hành

Thượng sĩ
Thành Viên
5e470636982b11eaae0d0e69ba12-1-4804-8555-1589740043_1200x0.jpg


Theo các cố vấn chính phủ và cựu quan chức Trung Quốc, nước này không cần và cũng không đủ khả năng có một gói kích thích lớn như Mỹ.


Bắc Kinh dự kiến công bố chi tiết các biện pháp hỗ trợ kinh tế bổ sung tại cuộc họp thường niên của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc sắp tới. Tuy nhiên, đang có cuộc tranh luận trong giới hoạch định chính sách về quy mô của chương trình và cách thực hiện nó. Câu hỏi được đặt ra là, có nên kiểm soát chi tiêu tài khóa như một cách tránh đợt kích thích tiền tệ dư thừa.

Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quý I, lần suy giảm đầu tiên trong hơn 4 thập kỷ. Tuy nhiên, chính phủ nước này đã tránh thực hiện các biện pháp kích thích quy mô lớn như giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Khi ấy, Bắc Kinh ban hành kế hoạch kích thích trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (586 tỷ USD), dẫn đến các "tác dụng phụ" nghiêm trọng như chi tiêu lãng phí và gia tăng nợ công rất lớn.

Vì vậy, một số chuyên gia và cựu quan chức nước này cho rằng không cần phải sao chép chính sách nới lỏng định lượng, đang được một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sử dụng.

Xiao Gang, cựu giám đốc điều hành cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc, phản đối ý tưởng nới lỏng định lượng theo hướng ngân hàng trung ương mua tài sản không giới hạn để bơm một số tiền lớn vào thị trường nhằm kích thích hoạt động kinh tế. "Đây không phải là thời điểm ra mắt một gói nới lỏng định lượng không giới hạn mới", ông nói.

Thay vào đó, ông Xiao Gang cho rằng, chính phủ có thể tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách tính theo phần trăm GDP, phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt và tăng phát hành trái phiếu cho mục đích đặc biệt của chính quyền địa phương.

Những biện pháp này có thể đáp ứng kịp thời và hiệu quả tác động của dịch bệnh với nền kinh tế và việc làm. Ý kiến của ông cũng giống các đề xuất đã được Hội đồng Nhà nước đưa ra, với chi tiết sẽ được công bố tại Đại hội sắp tới.

Một người đeo khẩu trang đi ngang qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang treo cờ rũ trong Ngày tưởng niệm những người chết vì Covid-19 hôm 4/4. Ảnh: Reuters


Một người đeo khẩu trang đi ngang qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang treo cờ rủ trong Ngày tưởng niệm những người chết vì Covid-19 hôm 4/4. Ảnh: Reuters.


Gần đây, Liu Shangxi, cố vấn của Bộ Tài chính, cho biết ngân hàng trung ương nên xem xét việc mua trái phiếu kho bạc mới trực tiếp từ Bộ Tài chính, một hình thức của nới lỏng định lượng. Đề xuất của ông đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi vì luật pháp hiện cấm ngân hàng trung ương tài trợ cho thâm hụt của chính phủ.

Ma Jun, một cố vấn chính sách của ngân hàng trung ương phản đối. Theo vị này, Ngân hàng Nhân dân nên giới hạn việc mua trái phiếu kho bạc đặc biệt bởi vì một động thái như vậy có thể gây ra rủi ro lạm phát và bong bóng tài sản và dẫn đến sự mất giá của đồng tiền nhân dân tệ.

Ông Ma Jun là chuyên gia kinh tế và thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Ông cảnh báo rằng, nếu PBOC can dự vào một chương trình nới lỏng định lượng thì sẽ khuyến khích nợ tài chính quá mức, có thể gây ra khủng hoảng niềm tin vào nợ chính phủ trên thị trường quốc tế. Do đó, xếp hạng tín dụng của nợ chính phủ nước này có thể bị hạ cấp và chi phí tài chính có thể tăng lên.

"Ngay cả với tác động nghiêm trọng của đại dịch, Trung Quốc vẫn duy trì mức lãi suất dương và các công cụ chính sách tiền tệ truyền thống vẫn còn nhiều năng lực", ông Ma nói và cho biết, có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi trong quý thứ hai.

Wu Xiaoling, cựu phó thống đốc PBOC, cũng cho rằng ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ để tài trợ cho thâm hụt ngân sách là không cần thiết. Tuy nhiên, "nếu có nhu cầu trên thị trường, ngân hàng trung ương có thể cung cấp thanh khoản bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm mua trái phiếu chính phủ để cung cấp thanh khoản", ông Wu nói.

Theo ông, Trung Quốc trước mắt nên thắt chặt kiểm soát chi tiêu tài khóa, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ tài chính, duy trì kỷ luật tài khóa và duy trì sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.

Cựu thống đốc PBOC Zhou Xiaochuan cũng cảnh báo rằng các tác dụng phụ của việc nới lỏng định lượng có thể ngăn chặn các nguồn lực của chính phủ đến với những người cần thiết nhất. Theo ông, tăng thanh khoản cũng có thể có những tác dụng phụ nhất định trong tương lai, và sẽ có một số người hưởng lợi miễn phí.

"Một số doanh nghiệp và tổ chức tài chính có vấn đề riêng của họ và đã gặp rắc rối. Nhưng họ cũng có thể nhân cơ hội này để nói rằng những vấn đề này là do Covid-19 gây ra, vậy họ có nên được giải cứu không", ông Zhou đặt vấn đề.

Các nhà phân tích cho rằng không có khả năng Trung Quốc chạy đua tiến hành các biện pháp nới lỏng định lượng như Fed, dù triển vọng tăng trưởng yếu hơn trong năm nay.

"Việc kích thích kinh tế tại Trung Quốc sẽ hoạt động thông qua sự kết hợp của các biện pháp tài chính và tiền tệ. Chẳng hạn, việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương được mua bởi các ngân hàng nhà nước và thương mại, với PBOC đảm bảo đủ thanh khoản cho các giao dịch diễn ra", ông Rory Green, nhà kinh tế Trung Quốc tại TS Lombard nói.

Vị chuyên gia phân tích thêm, nếu PBOC mua trực tiếp trái phiếu kho bạc đặc biệt thì đây sẽ là một thay đổi rõ ràng trong phương pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc. Động thái như vậy về cơ bản sẽ là một dạng của nới lỏng định lượng. Vấn đề là, Bắc Kinh đã tuyên bố rõ ràng về việc không sử dụng đến nới lỏng định lượng. Vì vậy khả năng PBOC mua trái phiếu kho bạc đặc biệt của chính phủ là không thể.

Phiên An (theo SCMP)
 
Top